Việt Nam cần những doanh nghiệp lớn để cạnh tranh trên thương trường quốc tế nhưng lớn là phải đi đôi với tăng trưởng có thực chất và bền vững, Ong Trần Sĩ Chương, thành viên ban cố vấn CLB VNR500 chia sẻ bên lề công bố bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR 500) đã được công bố thường niên suốt 4 năm qua?
Ông Trần Sĩ Chương: Trong bất cứ một nền kinh tế nào thì việc đánh giá, xếp hạng, cập nhật thông tin doanh nghiệp là thiết yếu cho nhà đầu tư, người tiêu dùng, và ngay cả với các nhà nghiên cứu, làm chính sách. Do vậy tôi đánh giá rất cao các hoạt động xếp hạng doanh nghiệp như bảng xếp hạng TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam này. Thực chất, đây chính là hoạt động tổ chức, xử lý thông tin doanh nghiệp và khi được trình bày một cách có hệ thống thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn, ai cần là có thể có.
Cho đến nay, bảng xếp hạng TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất là dựa theo doanh thu. Định nghĩa thế nào là doanh nghiệp lớn vẫn còn nhiều tranh cãi. Ông quan niệm thế nào là doanh nghiệp lớn?
- Lớn ở đây chỉ có ý nghĩa doanh thu, hay tài sản, quy mô lớn; còn có những cái "lớn" khác chưa được sắp hàng, như là tăng trưởng lớn nhất, tỷ lệ lợi nhuận hàng năm lớn nhất...
Về mặt bản chất, cần phải hiểu, doanh nghiệp lớn chưa hẳn đã là doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt nhất. Nếu gọi là doanh nghiệp tốt nhất thì nghĩa là, phải là doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả kinh tế nhất, nó liên quan tới các chỉ tiêu khác như tỷ suất lợi nhuận qua các năm, tốc độ tăng trưởng…
Tuy nhiên, tôi được biết Vietnam Report cũng đang sắp công bố bảng xếp hạng TOP các doanh nghiệp lớn nhất về lợi nhuận, về tốc độ tăng trưởng, hay số lượng người lao động.
Cộng với bảng xếp hạng doanh nghiệp theo doanh thu, thì đây sẽ là một bức tranh thông tin đầy đủ hơn về cộng đồng doanh nghiệp. Nhà đầu tư sẽ không phải mất thời gian để thu thấp, xử lý thông tin mà qua chính các bảng xếp hạng này để có thể đưa ra các quyết định đầu tư nhanh hơn.
Nói cách khác, những hoạt động như vậy sẽ giúp cho một nền kinh tế trưởng thành sớm hơn, nhờ vào hệ thống thông tin kinh tế tài chính minh bạch, sẵn sàng sử dụng hơn.
PV: Thưa ông, nếu so sánh với thế giới thì các doanh nghiệp lớn của Việt Nam vẫn còn là nhỏ. Gần đây, mơi chỉ có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp tốt nhất tại châu Á - Thái Bình Dương của tạp chí Forbes Asia. Làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam thực sự là lớn trên thường trường quốc tế?
- Có 2 khía cạnh khi nói về vấn đề này. Nếu tôi là một doanh nghiệp, doanh nhân, trong làm ăn kinh doanh, dù là doanh nghiệp lớn hay bé thì điều đầu tiên mà tôi phải quan tâm, đó là hiệu quả kinh doanh phải làm sao tốt nhất, doanh nghiệp tới được đánh giá như thế nào, và làm sao tôi có thể làm cho doanh nghiệp của tôi có giá trị cao nhất trên thường trường. Chứ tôi sẽ không so sánh ngay chuyện qui mô lớn hay nhỏ so với bên ngoài. Giả dụ, mỗi năm, có được tỷ suất lợi nhuận là 20% trên vốn chủ sở hữu là tôi vui mừng rồi. Vì khi đó, ưu tiên của tôi là phải làm sao để hàng năm, tôi phải đạt được mức độ lợi nhuận này, hoặc cao hơn và tôi phải biết nhận ra những rủi ro tiềm ẩn và có cách quản lý những rủi ro này.
Tuy nhiên, ở khía cạnh thứ 2, quan trọng hơn, đó là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp phải có tầm nhìn, có kỹ năng tổ chức, quản trị có khát vọng vươn tầm thế giới để doanh nghiệp mình ngày càng lớn mạnh. Nếu mỗi năm, doanh nghiệp tăng trưởng 20-30% đều đặn thì 3 năm sau, giá trị doanh nghiệp đó sẽ tăng gấp đôi, 10 năm sau, sẽ tăng gấp 4-5 lần. Vấn đề quan trọng nhất chính là tăng trưởng bền vững.
Còn về góc độ kinh tế vĩ mô, Việt Nam cần có doanh nghiệp lớn để có thể đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài.
Tuy nhiên, giải quyết bài toán này thì điều cơ bản nhất là, không thể bằng một cách đi gượng ép, không tự nhiên, làm những điều không hợp với logic phát triển kinh tế để biến thành doanh nghiệp lớn được. Không phải, cứ bằng mệnh lệnh hành chính gộp nhiều đơn vị lại, hoặc nhà nước bơm vốn ra là thành doanh nghiệp lớn. Nếu nuôi một đứa con mới 12 tuổi mà đã phổng phao như 18 tuổi thì không phải đứa con đó đã là người trưởng thành, bởi tâm lý của hình dáng 18 tuổi đó vẫn là đứa trẻ con 12 tuổi thôi. Doanh nghiệp phải lớn thực chất, tức là làm sao phải tăng trưởng bền vững.
PV: Thưa ông, 10 năm qua, 95% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn còn là nhỏ và vừa. Để khu vực năng động này xuất hiện những doanh nghiệp lớn thực sự. Vậy, theo ông, đâu là rào cản cần tháo gỡ?
- Doanh nghiệp sẽ phải tự có ý thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tăng trưởng bền vững.
Và trong đó, vấn đề bức thiết nhất là môi trường kinh doanh phải thông thoáng. Tôi cho rằng, vấn đề ưu tiên cần giải quyết và cấp bách nhất là thủ tục hành chính phải hợp lý, minh bạch, để xã hội nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng có một sự bình đẳng về cơ hội cốt yếu để đất nước thật sự có khả năng phát triển bền vững.
PV: Trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Việt Nam, thì thấy chủ yếu là lĩnh vực ngân hàng, đá quí, chỉ có duy nhất 2 đơn vị là ngành sản xuất chế biến là thép và sữa. Ông có suy nghĩ gì?
- Ngân hàng, đá quí là những lĩnh vực kinh doanh lợi nhuận cao và khá ổn định. Vì môi trường kinh doanh của ta chưa minh bạch, chưa thông thoáng, tiềm ẩn rủi ro chính sách thì việc kinh doanh đầu tư vào những ngành sản xuất công nghiệp, chế biến… có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao đòi hỏi sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để thu hồi vốn, có sức tăng trưởng lớn. Vì vậy với các lĩnh vực đó thì các doanh nghiệp đầu tư vẫn còn rụt rè là điều có thể hiểu được.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Diễn đàn kinh tế Việt Nam
Do Phạm Huyền thực hiện.